Cơ hội cuối cùng khi làm IVF, chị Thủy không dám dùng que thử thai vì ám
ảnh cảm giác hụt hẫng “1 vạch” của hàng chục, hàng trăm lần trước.
Suốt 8 năm từ ngày
lấy chồng, chị Thủy (Từ Liêm, Hà Nội) sống trong biết bao cung bậc cảm
xúc: buồn, vui, hy vọng và cả tuyệt vọng. Rất nhiều lần tưởng chừng có
con nhưng chị không dám dùng que thử thai vì ám ảnh cảm giác hụt hẫng “1
vạch” của hàng chục, hàng trăm lần trước. Đã có lúc chị có ý định rời
xa anh và rũ bỏ tất cả. Thế nhưng, tình yêu và sự động viên của anh đã
tiếp thêm cho chị nghị lực để chị cố gắng tiếp. Sau 8 năm chữa trị vô sinh, chị đã có Tít. Hạnh phúc như vỡ òa, may mắn đã mỉm cười với chị.
Gặp chị ngoài đời thực, trông chị đẹp mặn mà và phúc hậu hơn so với bức ảnh chị chụp trên facebook cá nhân tôi từng xem. Người phụ nữ
trước mặt tôi, giờ đã bớt buồn hơn nhiều so với 8 năm trước đó. Chị bảo
rằng: Cu Tít là tinh thần sống để chị cố gắng và trẻ đẹp như bây giờ.
Chị kể, ngày ấy, anh với chị quen nhau qua lời mai mối của họ hàng.
Hai năm tìm hiểu, anh chị đi đến hôn nhân. Một năm sau ngày cưới, chuyện
con cái của chị vẫn “bặt vô âm tín”. Chị đi khám rồi chủ quan đến nhà
mấy ông lang, bà lang gần nhà để bốc thuốc nhưng mãi không có dấu hiệu
mang bầu.
Sau 8 năm nỗ lực chữa trị vô sinh, cuối cùng chị Thủy đã có bé Tít.
Những ngày sau đó, ai mách chỗ nào, chỉ chỗ nào chị đi khám chỗ ấy.
7,8 tháng sau vẫn không có kết quả gì. Chị tìm đến Bệnh viện Phụ sản
Trung ương tiến hành các thủ tục xét nghiệm. Bác sĩ kết luận chị bị đa
nang buồng trứng. Sau hơn 1 năm long đong chạy chữa ở bệnh viện, phiếu
thông báo kết quả vẫn là con số không. Cho đến bây giờ, cả trong mơ chị
vẫn chập chờn cảnh chen chúc nộp hồ sơ, siêu âm, chụp chiếu…và sợ. Chị
sợ hình ảnh của mình ngồi bệ rạc ở cầu thang, đợi chờ kết quả. Chị sợ
nhìn những hình ảnh giống chị của hàng trăm phụ nữ bất hạnh khác cũng ở
cầu thang ấy: thất thểu, ủ rũ và mệt mỏi. Những ngày tháng đó, với chị
như một cực hình.
Năm 2007, qua một người bạn chị được giới thiệu đến phòng khám của
một bác sĩ ở phố Bà Triệu. Chị lại trở về với vòng luẩn quẩn: Chụp chiếu
– Siêu âm – Tiêm chọc từ A đến Z. Mỗi lần đến hẹn gặp khám, chị chuẩn
bị từ 5 giờ sáng đến ngồi ghi tên, xếp hàng, chờ đợi đến 4 giờ chiều để
lấy sổ. Và 7,8 giờ tối mới đến lượt khám của mình. Hơn 2 năm chữa ở đó,
với chị quãng đường Cổ Nhuế (nhà chị sống) - Bà Triệu là quãng đường đầy
nước mắt. Mỗi tháng chị tốn gần 5 triệu, thực hiện phương pháp bơm tinh
trùng vào buồng tử cung (IUI) ở đó 4 lần, mỗi lần tiêm 19 mũi kích
trứng với số tiền khoảng 10 triệu. Vợ chồng chị nhịn ăn, nhịn mặc để
dành tiền chữa bệnh.
Gia đình hạnh phúc của chị Thủy
Cuối năm 2008, chị bắt đầu vào Bệnh viện Phụ sản TW, rồi vòng tuần
hoàn: Xét nghiệm - Tiêm – Siêu âm – Chụp chiếu… lại tiếp tục. Bác sĩ kết
luận chị bị đa nang buồng trứng và dính niêm mạc tử cung. Các chuyên
gia tư vấn cho chị mổ nội soi. Chị và anh lại chạy vạy đi mượn, góp nhặt
những đồng tiền cuối cùng trong nhà để thực hiện ca phẫu thuật. Niềm hy
vọng một lần nữa được nhen nhóm.
Một năm trôi qua, vòng kinh nguyệt của chị cũng không trở lại. Chị
khóc đầm đìa và tuyệt vọng nghĩ rằng chẳng thể nào mình có con được nữa.
Chị viết đơn ly hôn và đề nghị chia tay anh. Chị không ích kỷ để khư
khư giữ lấy anh, để ròng rã suốt 8 năm trời anh phải nhẫn nại chờ chị và
rồi cứ tuyệt vọng dần mỗi khi xem giấy khám kết quả. Anh khước từ đơn
ly hôn. Anh mắng chị: "Không được suy nghĩ vẩn vơ và bỏ cuộc vì bên chị
còn có anh". Thế là vì anh, chị lại cố gắng.
Chị lang thang khắp các trang mạng để tìm nơi chữa bệnh vô sinh. Ai
mách chỗ nào, chị lại lần mò tìm đến. Dẫu lên núi, xuống biển dẫu ngược
xuôi từ Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hưng Yên... anh chị đều đặt
chân tới. Có những ngày mưa tầm tã, đợi xe khách nhọc nhằn để vào bản
tìm thầy bốc thuốc, anh chị cứ đau đớn nhìn nhau, nước mưa và nước mặt
trộn làm một. Hy vọng cứ đến rồi lại đi, với chị nhanh đến chóng vánh.
Cho đến bây giờ, khi kể cho tôi nghe về quãng thời gian tạc vào lịch
sử ấy, chị vẫn say sưa nói về anh như đang kể về mối tình cổ tích. Chị
yêu anh bằng cả tình yêu son sắt của người vợ với chồng và trên hết bằng
cả lòng hàm ơn sâu sắc. Bởi lẽ, trên bước đường gian nan để có con của
chị, động lực mạnh mẽ nhất để chị đứng dậy vẫn là anh.
Hiện tại bé Tít đã được 2 tuổi.
Cuối năm 2010, chị quyết định đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội làm IVF (Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm).
Sau 2 tháng, chị được đặt phôi. 13 ngày sau đó, chị như nghẹt thở và
chờ đợi. Anh động viên chị, cố gắng chịu đựng, hết tiền thì bán nhà cửa,
đất đai miễn là có được con. Chị căng thẳng, áp lực vì với chị, anh là
người đàn ông quá tốt. Cuộc sống không quá nhẫn tâm lấy của chị tất cả.
Chưa có con nhưng bên chị còn có anh là chỗ dựa tin cậy và tuyệt vời
nhất. Trong một trường hợp nào đấy, nếu chồng chị không phải anh mà là
một người đàn ông vô tâm nào khác, liệu chị có bị ruồng rẫy như người ta
ruồng rẫy thứ đồ bỏ đi, hết hạn sử dụng nữa hay không? Người ta có ở
bên chị, chịu đựng, kìm nén và kiên trì suốt 8 năm đằng đẵng như anh
từng đối xử với chị? Và tôi thực sự ngưỡng mộ anh vì điều thiêng liêng
ấy.
Dù chưa biết kết quả lần đặt phôi này như thế nào, nhưng chị đã chuẩn
bị sẵn tâm lý cho mình. Nếu kết quả vẫn giống vô vàn những lần trước,
chị sẽ tìm giải pháp khác cho anh: hoặc là cho anh đi tìm con bên ngoài,
hoặc là chị sẽ ra đi mãi mãi… Chị không dám dùng đến que thử thai vì
nỗi ám ảnh và hụt hẫng của chị từ hàng trăm que thử thai chị đã từng
dùng trước đó.
Thế rồi, ngày thứ 28, chị có kết quả. Chị có bầu. Tít lớn dần trong
bụng mẹ và ra đời khỏe mạnh. Mọi người gọi con chị - bé Tít là “Tít kim
cương". Hạnh phúc tưởng chừng như vỡ òa, nghẹn ngào trong chị, niềm hạnh
phúc ấy chẳng gọi thành tên. Ngày chị sinh Tít, nhà chị chật cứng
người. Họ hàng gần xa đến hỏi thăm, chia vui, cả ngõ ai cũng mừng cho
chị. Sự sống với chị lúc này mới thực sự hồi sinh...
Theo nguồn đăng: eva.vn