Vùng đất Tây Bắc, bao đời nay vẫn ẩn chứa những tập tục kỳ lạ, độc đáo,
nhưng bước chân đến vùng đất Tà Si Láng (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái),
nghe về tục treo người chết, cúng ma khô của người Mông nơi đây vẫn
khiến không ít người rùng mình, kinh sợ.
Hủ tục mới nghe đã rùng mình
Cái tên Tà Si Láng có lẽ không còn xa lạ đối với nhiều người. Đó là
vùng đất một thời xa xưa ngập tràn cây anh túc và người dân hút thuốc
phiện như... thuốc lào. Cách thị trấn huyện lỵ Văn Chấn chưa đầy 20km,
nhưng con đường độc đạo viền núi đầy trắc trở, nguy hiểm lên Tà Si Láng
thật kinh khủng. Chính địa hình như vậy nên “ánh sáng của nền văn minh”
cũng đến vùng đất này muộn màng. Tà Si Láng giờ đây không còn bị cô lập
nữa nhưng vẫn còn hoang vu và lạc hậu, thậm chí còn đầy rẫy những hủ
tục.
Thầy giáo Vũ Ngọc Minh, một trong những người đầu tiên “cắm bản” để
mang tri thức lại cho con em trên vùng đất này kể lại: “Thời mới lên, Tà
Si Láng tứ bề trống trải, lối đi chỉ là đường mòn, đèo cao, vực sâu,
đâu đâu cũng là hoa thuốc phiện. Với thầy Minh lúc đó, ngoài việc học
tiếng Mông để “nghe và nói” thì phải biết hỏi đường và cách “xin” ăn.
Đường mòn, đèo cao, heo hút đi mà không nhớ đường coi như chết. Biết
được đường rồi khi đói phải biết cách “xin” ăn”.
Đường lên Tà Si Láng.
Trong căn nhà sàn bên ven núi, người cựu chiến binh chưa “từng dính
đến ma túy” năm xưa là Hờ Súa Páo nhóm cho ngọn lửa thổi bùng rồi rề rà
những câu chuyện mà với ông, nó sẽ đi theo cuộc đời này. Già Páo giờ đã
già và không biết mình sinh năm bao nhiêu, chỉ biết ngày Pháp bị bộ đội
ta đánh cho tơi bời phải chạy lên Tà Si Láng khi đó già mới chớm tuổi
thanh niên. Nghe theo lời Bác Hồ, bản Mông đứng lên đánh đuổi Pháp, năm
đó chàng thanh niên Hờ Súa Páo cũng tham gia cùng bà con dân bản, chính
tự tay Páo và bố mình đã chôn cất 3 chiến sĩ của ta ngay gần nhà mình.
Ngày hòa bình, huyện cho Hờ Súa Páo đi học rồi tham gia sản xuất. Năm
1990, Hờ Súa Páo được cử làm cán bộ cựu chiến binh của xã nhưng sau đó
vì chữ nghĩa không rõ ràng nên chỉ làm được một khóa rồi... nghỉ.
Già Hờ Súa Páo kể về những hủ tục của người Mông trên đỉnh Tà Si Láng. Ảnh: P.B
Nhắc đến những hủ tục, mê tín dị đoan của người dân bản, già Hờ Súa
Páo bảo rằng: “Khi xưa bố mẹ làm như thế rồi, giờ mình cũng làm vậy
thôi, không bỏ được, chẳng may hồn ma bố mẹ về quở trách thì sợ lắm”.
Già Páo lấy ví dụ, khi gia đình nào có người chết, người ta đặt người đó
lên một tấm ván rồi treo trên không ở giữa nhà, độ cao khoảng 1,2m, ban
đầu thì treo đầu hướng vào trong tường, chân hướng ra cửa trước, sau
một hôm thì treo lại, đầu hướng vào trong buồng chân hướng về cửa phía
hiên nhà. Tục lệ từ bao đời nay đã vậy, con cháu nay cũng làm y nguyên
như thế, người ta treo hàng tuần mới mang đi chôn.
Chết vẫn treo nhưng đã... văn minh hơn
Nhắc đến Tà Si Láng, tôi lại nhớ đến hủ tục mai táng rợn người đã
trải qua hàng thế kỷ của người Mông trên bản Lung Tang, thuộc xã Hồng
Ngài (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La). Nơi đã sinh ra những nhân vật có thật
như Thống lý Pá Tra, hay A Phủ, Mỵ, A Sử... và đã đi vào tác phẩm huyền
thoại “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài.
Cũng như Tà Si Láng, trên vùng đất Lung Tang này có 100% người dân
tộc Mông sinh sống. Ở đó sau khi một người trong gia đình chết, người
thân của họ vẫn coi như còn sống, nên mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình
thường. Trong bữa ăn, mọi người vẫn đút cơm, bón nước vào miệng cho
người chết… Kể cả sau nhiều ngày, thức ăn đã lên men, thậm chí ruồi
nhặng bâu đen quanh mặt người chết, họ vẫn tiếp tục đút cơm vào miệng
người quá cố.
Bàn thờ nhà già Páo, mỗi khi có việc ông lại thắp hương... hỏi ma.
Không những thế, với suy nghĩ người chết vẫn chẳng khác gì người
sống, chỉ có điều không thể tự mình cử động, không thể tự mình ra ngắm
mặt trời được nên mỗi khi ánh mặt trời ló rạng ở phía Đông là họ lại
khiêng người chết ra ngoài sân, đặt ngửa lên tấm ván đã chuẩn bị sẵn,
đầu hướng về phía mặt trời mọc. Dù trời mưa to, hay nắng cháy thì cũng
phải đến lúc nào mặt trời lặn, người chết mới được khiêng vào trong nhà.
Bây giờ, việc mai táng người chết như thế này ở Hồng Ngài vẫn còn,
nhưng thời gian “cho người chết ăn và đem phơi nắng” đã rút lại chỉ một
vài ngày chứ không để hàng tuần liền như ngày xưa nữa.
Ở Tà Si Láng, người Mông tổ chức nghi thức treo người chết luôn đi
cùng lễ giết trâu, giết bò, giết lợn, rồi mời cả làng đến ăn uống để
tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Theo già Páo, việc ăn uống như vậy
rất tốn kém. Đơn giản như giết trâu, mỗi lần giết không bao giờ giết 1
con, mấy năm về trước có nhà giết đến 5 - 6 con. Còn lợn thì không thể
thiếu, nếu nhà không nuôi được thì phải đi mua, đắt đỏ đến bao nhiêu
cũng phải mua cho đủ kẻo ma về quở trách.
Cũng chẳng khác xa so với người Mông trên Hồng Ngài, theo tục lễ của
người Mông ở Tà Si Láng, sau khi treo người chết trong nhà mấy ngày,
người ta mang ra ngoài rẫy ngô phơi. Ví dụ như xác định 3 giờ chiều chôn
thì sáng hôm đó người ta đã khiêng người chết ra rẫy từ lúc 8 giờ sáng
rồi đóng cọc treo lên mà chẳng có quan tài gì cả. Trâu bò thì cột ở dưới
và làm thịt ngay ở dưới, dân bản tập trung ăn uống ngay tại chỗ. Mùi
người chết, mùi thịt trâu sống, mùi của núi rừng… đủ các thứ mùi, đấy là
chưa kể đến trường hợp người chết do tai nạn, vậy mà họ vẫn thản nhiên
ăn uống như chưa có chuyện gì xảy ra.
Theo Giàng A Sửu, một người Mông sinh ra và lớn lên ở đây thì sau khi
chết con cháu sẽ làm một lễ gọi là lễ cúng ma khô. Trong lễ làm ma khô
không thể thiếu thầy mo. Thầy mo được xem là người có phép, có thể nói
chuyện với ma, thầy có thể hỏi ma xem ma đã muốn về với tổ tiên hay
chưa, nếu ma đi thì có đòi hỏi gì không, nếu không đi thầy sẽ khuyên ma
đi về với tổ tiên cho sớm và sớm phù hộ cho con cháu(?!)
Một mai đây, có thể Tà Si Láng không hoang vu, cách trở nữa, nhưng
chưa biết bao giờ những hủ tục và sự mê tín dị đoan ngập trong suy nghĩ
của họ mới thực sự chấm dứt?
Theo Quang Khánh (Gia đình & Xã hội)